Chủ đề "sự sống" từ Mùa Phục Sinh vẫn còn tiếp tục với Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B hôm nay, qua biến cố bánh hóa ra nhiều nuôi dân chúng, ở cả bài Phúc Âm cũng như ở Bài Đọc 1.
Trước hết, bài Phúc Âm hôm nay không phải là bài Phúc Âm theo Thánh ký Marcô của chu kỳ Năm B như các Chúa Nhật thường niên khác trong năm này, mà là bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan. Và nguyên đoạn 6 của Phúc Âm Thánh ký Gioan về chủ đề Bánh Hằng Sống sẽ được Giáo Hội chọn đọc cho 5 Chúa Nhật liền, từ Chúa Nhật Thường Niên XVII hôm nay đến Chúa Nhật Thường Niên XXI.
Việc chuyển từ bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô tuần trước sang bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan tuần này cũng hết sức ăn khớp với nhau. Ở chỗ, bài Phúc Âm của Thánh ký Marco tuần trước cho biết Chúa Giêsu động lòng thương khi thấy đám đông dân chúng như chiên không người chăn nên Người đã giảng dạy cho họ nhiều điều (xem Marco 6:34), và bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan hôm nay cho biết rằng Chúa Giêsu Chúa Giêsu đã giảng dạy cho họ nhiều điều đó là về Bánh Hằng Sống.
Tuy nhiên, trước khi giảng cho dân chúng nghe về Bánh Hằng Sống, Phúc Âm của Thánh ký Gioan hôm nay cho chúng ta biết rằng Người đã làm phép lạ bánh hóa ra nhiều để nuôi dân chúng đã, chứ không phải giảng rồi mới cho họ ăn, như trong Phúc Âm của Thánh ký Marcô thuật lại ngay sau bài Phúc Âm của tuần trước (xem Marco 6:34-44). Như thế, Chúa Giêsu nhân từ cũng rất tâm lý trong trường hợp này, đó là Người cho dân chúng ăn no nê trước đã rồi mới giảng dạy họ nhiều điều, nhờ đó họ mới có sức để nghe lời của Người, theo kiểu "có thực mới vực được đạo".
Có một chi tiết có thể gây thắc mắc độc giả sống vào thời tân tiến về khoa học kỹ thuật ngày nay đó là chi tiết làm sao Chúa Giêsu có thể rao giảng cho một đám đông lên đến cả 15-20 ngàn người bấy giờ (với con số 5 ngàn người đàn ông, như bài Phúc Âm cho biết, mà đàn bà con nít có thể đông gấp 3 gấp 4 lần con số đàn ông). Nhất là khi Chúa giảng dạy cho họ ở ngoài trời là một môi trường quá loãng không âm vang như trong hội đường. Vấn nạn này thật chí lý. Bởi loài người tân tiến ngày nay, cho dù nói trong hội trường cũng cần phải có máy móc âm thanh đàng hoàng mới được. Vậy thì ngày xưa làm sao con số thính giả 15-20 ngàn người ấy có thể nghe thấy bài giảng rất quan trọng của Chúa Kitô về Bánh Hằng Sống ngài có ý giảng cho họ nghe sau khi cho họ ăn chứ?
Đúng thế, về tự nhiên là chuyện bất khả, cho dù Chúa Giêsu có ngồi đối diện với đám đông này, chứ không phải ngồi giữa đám đông, vì nếu Người ngồi giữa họ thì đằng sau Người chẳng ai nghe thấy Người nói gì. Và cho dù dân chúng ta cảm phục Người mà lắng nghe Người khi Người lên tiếng giảng dạy họ chăng nữa. Hay cho dù tiếng của Người có to mấy chăng nữa thì cùng lắm cũng chỉ có khoảng mấy trăm người hay cả ngàn người là cùng ngồi gần Người nhất mới nghe thấy thôi, còn ở xa hơn sẽ không nghe thấy gì. Vậy mà mọi người ăn no nê bánh và cá Người hóa ra nhiều thế nào thì họ cũng được no nê lời của Người như vậy! Tại sao và làm thế nào?
Nếu vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, sau khi Thánh Thần hiện xuống, thành phần dân Do Thái từ khắp tứ phương thiên hạ tuôn về Giêrusalem bấy giờ, nghe được các vị tông đồ nói tiếng của xứ sở địa phương họ sống thế nào, thì "Lời Thày là thần linh và sự sống" (Gioan 6:63) cũng làm cho những ai muốn nghe và khao khát nghe Lời Người cũng nghe được tiếng của Người như thế. Nếu con người văn minh tân tiến ngày nay có thể nghe được tiếng nói từ các đài phát thanh ở xa cách mình ngàn dặm thế nào nhờ làn sóng hay tần số trong không gian thế nào thì ngày xưa thành phần nghe được tiếng Chúa Kitô, cũng cần phải bắt trúng tần số Thánh Linh của Người hay có cùng tần số Thánh Linh với Người. Và đó là lý do, ở cuối Bài Giảng về Bánh Hằng Sống, một số môn đệ của Người, cho dù có nghe thấy tiếng (voice) của Người, nhờ được ngồi gần Người, nhưng vẫn không chấp nhận lời (word) của Người nên đã bỏ Người mà đi (xem Gioan 6:60,66), đi xa hơn cả một số thành phần dân chúng ngồi xa Người đã chẳng những nghe được tiếng của Người mà còn cả lời của Người giảng dạy nữa.
Các chi tiết trước và sau phép lạ bánh hóa ra nhiều được Thánh ký Gioan thuật lại chi tiết hơn Thánh ký Marco, hay Thánh ký Mathêu (14:13-21) và Luca (9:10-17) khi 3 vị này cũng thuật lại về biến cố phép lạ hóa bánh ra nhiều lần nhất này. Thánh ký Gioan chỉ tường thuật phép lạ bánh hóa nhiều lần 1 mà thôi, chứ không thuật thêm lần 2 cách lần nhất không lâu để nuôi 4 ngàn người từ 7 ổ bánh và dư 7 thúng đầy, như 3 vị của Phúc Âm Nhất Lãm (xem Mathêu 15:32-38; Marco 8:1-9; Luca 9:43-45).
Tuy cả 4 Phúc Âm đều thuật lại về việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất này có những con số giống nhau là 5 chiếc bánh và 2 (hay vài) con cá (Mathêu 14:17; Marco 6:38; Luca 9:13; Gioan 6:9), và còn dư 12 thúng đầy sau khi nuôi 5 ngàn người (xem Mathêu 14:20-21; Marco 6:43-44; Luca 9:17,14; Gioan 6:13,10), Thánh ký Gioan còn cho biết mấy chi tiết đặc biệt nữa: 1- về thời điểm bánh hóa nhiều lần nhất đó là "Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới"; về địa điểm xẩy ra phép lạ bánh hóa ra nhiều: "bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria", nơi Chúa Kitô sẽ hiện ra với 7 tông đồ và nấu nướng cho các vị ăn sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết (xem Gioan 21:1,9-10,12-13).
Về cách thức hóa bánh ra nhiều, trong khi 3 Thánh Ký của bộ Phúc Âm Nhất Lãm đều thuật là các cử chỉ của Chúa Giêsu giống nhau bao gồm 4 hành vi chính yếu của Người thứ tự đó là: 1- cấm lấy bánh, 2- ngước mắt lên trời, 3- đọc lời chúc tụng, 4- bẻ ra trao cho các môn đệ (Mathêu 14:19; Marco 6:41; Luca 9:16), thì Thánh ký Gioan lại đơn giản hóa hơn, chỉ có 2 trong 4 cử chỉ trên đây mà thôi, như sau: "Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".
Ở đây, chính Chúa Giêsu đích thân trao bánh (trước) và cá (sau) cho dân chúng là "các kẻ ngồi ăn", chứ không qua trung gian các tông đồ như trong bộ Phúc Âm Nhất Lãm, một cử chỉ chính Người sau này cũng làm với 7 tông đồ ở bờ Biển Hồ Tibêria vào lần hiện ra thứ 3 với các tông đồ: "Chúa Giêsu tiến đến cầm lấy bánh mà trao cho các vị, rồi Người cũng làm như thế với cá" (Gioan 21:13).
Nếu chính Chúa Giêsu đi đến từng người để "phân phát" cả bánh (trước) lẫn cá (sau) cho họ, với con số đông đến 5 ngàn người, thì không biết đến bao giờ mới xong. Có lẽ Người cũng bảo các tông đồ cùng làm với Người hay chăng, như thành phần thừa tác viên ngoại lễ cho rước lễ ngày nay vậy. Người vẫn là chính, họ chỉ là phụ, chứ không phải hoàn toàn thay Người làm việc đó.
Dầu sao đây cũng là cử chỉ cho thấy Chúa Giêsu tỏ ra trân trọng từng con người. Ở chỗ đích thân Người chăm sóc cho họ, phục vụ họ. Như Người đã thực sự đích thân cúi mình xuống để rửa chân cho từng người tông đồ môn đệ của Người trước Bữa Tiệc Ly (xem Gioan 13:5), chứ không bảo các tông đồ rửa chân cho nhau hay cho những người Người muốn rửa chân (xem Gioan 13:15).
Người đích thân ban tặng bản thân của Người cho chung nhân loại cũng như cho riêng từng người. Việc Người lập Bí Tích Thánh Thể không phải là việc Người đến với từng người hay sao, một sự việc đã được tiên báo nơi tác động "Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn". Và Bánh Thánh Thể của Người không hóa ra nhiều hay saokhi được bẻ ra, vì theo đức tin, từng miếng bánh nhỏ nhất, thậm chí từng vụn bánh thánh đều chất chứa tất cả bản thân Người: Nhân tính, bao gồm Mình và Máu cùng Linh Hồn của Người, với Thần tính của Người.
Như thế, bánh và cá được biến hóa ra nhiều đến dồi dào xẩy ra, từ việc Chúa Giêsu trao bánh và cá cho dân chúng, vì 5 ổ bánh và 2 con cá do các tông đồ kiếm được từ một thiếu niên bấy giờ, như một chút đóng góp vào công việc quyền năng của Thiên Chúa tiêu biểu cho "hoa mầu ruộng đất và lao công của con người", tự mình chúng có được một khả năng tăng bội, nhờ 2 tác động chính yếu "cầm lấy" và "tạ ơn" của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, mục đích của việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng về phần xác nhắm đến lợi ích về phần hồn của họ hơn là thuần về phần xác của họ, hơn là lý do chính trị, để được dân chúng tôn vinh chúc tụng. Bởi thế, như Thánh ký Gioan thuật lại ở cuối bài Phúc Âm: "Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: 'Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian'. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình".
Bài Đọc 1 hôm nay đã cho thấy sự kiện tiên báo về phép lạ bánh hóa ra nhiều này của Chúa Giêsu liên quan đến tiên tri Êlisê và người đầy tớ của vị tiên tri với bánh được dâng hiến cho vị tiên tri này:
"Trong những ngày ấy, có một người từ Baal-salisa mang đến dâng cho Êlisê, người của Thiên Chúa, bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: 'Xin dọn cho dân chúng ăn'. Đầy tớ của người trả lời: 'Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?' Nhưng người ra lệnh: 'Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư'. Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán".
Trong Bài Đọc 2 hôm nay, phép lạ hóa bánh ra nhiều có thể được hiểu theo ý nghĩa hiệp nhất một cách đa dạng trong Thiên Chúa là Đấng chân thật duy nhất hiện diện và tác động mọi sự theo ý của Ngài:
"Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc. Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người".
Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa cảm nhận thần linh về một Vị Thiên Chúa đáng chúc tụng bởi Ngài ân cần chăm sóc cho tạo vật của Ngài một cách dồi dào theo lòng từ bi nhân hậu của Ngài.
1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.
2) Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê.
3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. Chúa gần gũi những kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm.